Phường Nguyễn Trãi nằm ở trung tâm thành phố Hải Dương; có vị trí
quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hoá, quân sự và giao thông: phía
Đông giáp phường Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo, phường Trần
Phú; phía Tây giáp phường Phạm Ngũ Lão, phường Bình Hàn; phía
Nam giáp phường Phạm Ngũ Lão, phường Trần Phú; phía Bắc giáp
phường Bình Hàn.
Từ xa xưa, nơi đây nằm trong vùng đất cao của ngã ba sông Kẻ Sặt và sông Hàm Giang3 . Con người về sinh cơ lập nghiệp trên dải đất này rất sớm. Nhất là từ năm 1889, thực dân Pháp cho phá Thành Đông, xây dựng Sở Rượu. Những mảnh đất trống xung quanh Sở Rượu bị bỏ hoang, nhiều người các nơi khác (chủ yếu là người nghèo Thái Bình) về nhập cư khai khẩn, dựng lều lán, sinh cơ lập nghiệp ở đây, dần lập thành xóm Cựu Thành. Sau này, do yêu cầu phát triển đô thị, nhiều diện tích ao, hồ, sông ngòi kênh rạch được san lấp để xây dựng đường sá, nhà ở và các công trình công cộng. Mặc dù vậy, do ý thức của nhân dân và là địa bàn quan trọng của thành phố, nên Hào Thành và hồ Văn hoá vẫn giữ được gần như nguyên vẹn để giữ gìn di tích, làm nhiệm vụ tiêu thoát nước và góp phần đảm bảo môi trường trong sạch cho thành phố.
Ngược dòng lịch sử, năm 1804, Vua Gia Long cho rời trấn Hải Dương từ Mao Điền (Cẩm Giàng ngày nay) về địa phận các xã: Bình Lao - Hàn Giang4 ..., chọn khu đất cao xây thành gọi là Thành Đông; trung tâm Thành Đông xưa là khu vực ngã tư Máy Xay5 . Thành Đông buổi đầu đắp bằng đất. Năm Minh Mạng thứ 5 (1824) được gia cố bằng đá ong, thuộc Thành nội. Địa bàn phường Nguyễn Trãi ngày nay nằm trong Thành nội xưa kia.
Thành nội có hình lục giác đều, trung tâm Thành nội ở vào khoảng ngã tư Máy Xay hiện nay, có chu vi 551 trượng6 (2.204 m), cao 1 trượng 1 thước 2 tấc (4,48 m). Thành Nội có diện tích gần 35 ha (34.790 m2 ). Ngoài thành có hào sâu bao quanh (ngày nay vẫn còn dấu tích đoạn Hào Thành trên địa bàn phường). Hào Thành nối với sông Kẻ Sặt (qua cống Ba Cửa) nối với sông Hàm Giang, là tuyến giao thông đường thuỷ tiếp tế lương thực và vũ khí cho quan quân trong thành.
Thành nội nối với bên ngoài qua bốn cổng: cổng Đông, cổng Tây,
cổng Nam, cổng Bắc.
Cổng phía Đông (Đông Môn) ở vào khoảng giữa Bưu điện và Ngân hàng Công thương hiện nay, trông thẳng ra phố Đông Môn (nay là phố Phạm Hồng Thái). Từ Thành nội ra ngoài thành phải qua một cầu gạch xây vòm cuốn bắc qua hào; cầu dài khoảng 10m, rộng 3m. Cầu phía Đông và phía Nam đã bị phá từ cuối thế kỷ XIX. Cầu phía Tây còn di tích trên đường từ Viện Quân y 7 đến Khu tập thể Mả Tàu7 (đều nằm trong địa phận phường Nguyễn Trãi ngày nay). Cầu phía Tây bị phá năm 1993, khi đó được chọn là trụ sở UBND thị xã. Cầu phía Bắc hiện nay vẫn còn di tích trên đường Chi Lăng gần Công ty cổ phần Dược - Vật tư Y tế Hải Dương. Năm 2008, khi thi công hệ thống thoát nước thải của thành phố, đào dưới mặt đường Nguyễn Trãi khoảng 50 cm đã phát hiện dấu tích cầu dẫn vào cổng thành phía Nam ở gần cổng ngõ 126 đường Nguyễn Trãi. Phía trong Thành nội chia làm 2 khu, khu thứ nhất từ cửa phía Bắc đi vào có một lối đi chính (trùng với đường phố Chi Lăng ngày nay). Hai bên lối đi chính là nhiều dãy nhà, nơi ở của binh lính giữ thành và nhà công sở quản vệ. Khu thứ hai, đi qua cửa Nam, là cửa chính của Thành Đông - gồm có 3 khu: chính giữa là Kỳ Đài có cột cờ cao gọi là khu Cột Cờ. Sau khi thành bị phá, một số dân đến ở hình thành xóm Cột Cờ (sau này là khu tập thể Nhà máy Bơm). Qua cấu tạo Thành nội, ta thấy Thành nội ban đầu nằm trên địa phận phường Nguyễn Trãi, chỉ là một trung tâm hành chính quân sự và không có dân. Sau một thời gian xây dựng, ổn định, quan quân trong thành chỉ có chừng trên dưới 1.000 người.
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta, gây hấn ở nhiều nơi; lúc này, triều Nguyễn chủ trương củng cố các thành trì quân sự trong toàn quốc. Năm Tự Đức 19 (1866) Thành Đông được mở rộng, xây thêm ra phía ngoài Thành nội. Nằm về phía Đông của Kinh thành Thăng Long, cho nên triều đình nhà Nguyễn không ngừng củng cố Thành Đông thành một pháo đài quân sự, cho xây dựng ở vùng ngoại vi Thành Đông nhiều đồn nhỏ và một hệ thống đền thờ, miếu mạo ở xung quanh. Năm 1889, sau nhiều năm chiếm giữ, thực dân Pháp quyết định phá Thành Đông. Năm 1904, Pháp xây sở Rượu (khu vực Công ty chế tạo Bơm ngày nay). Sở Rượu do 3 người Âu cai quản, với 170 người bản xứ trong đó có 150 thợ. Ngày 14/11/1923, Thống sứ Bắc Kỳ Môngghilô (Mongguillot) ký Nghị định thay đổi địa giới hành chính đô thị Hải Dương: mở rộng về phía bắc đến ga Hải Dương và đoạn đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Ngày 12/12/1923, Toàn quyền Đông Dương Méclanh (M. Merlin) ký Nghị định nâng cấp đô thị Hải Dương thành thành phố Hải Dương (diện tích và địa giới theo Nghị định ngày 05/12/1897), yêu cầu phát triển đô thị ngày càng lớn đã thu hút một lực lượng lao động đáng kể phục vụ bộ máy cai trị và mở mang nghề nghiệp. Vì thế dân số nội thị nói chung và khu Chi Lăng nói riêng tăng lên rõ rệt. Thời kỳ Pháp thuộc, địa bàn phường có các khu: khu Ga, khu Cột cờ và khu Ngã Sáu. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thành phố Hải Dương được chia làm ba khu phố: Bắc Sơn, Chi Lăng, và Bạch Đằng. Phường Nguyễn Trãi ngày nay thuộc khu phố Chi Lăng. Ngày 30/10/1954, thị xã Hải Dương được giải phóng. Từ một thị xã bị địch tạm chiếm trước đây gồm ba khu phố chính là Bắc Sơn, Chi Lăng và Bạch Đằng, chính quyền về tay nhân dân lao động, thị xã điều chỉnh sắp xếp lại thành 6 khu phố (ngoại thị gồm khu phố 1 và 6; nội thị gồm khu phố 2, 3, 4, 5). Phường Nguyễn Trãi được hình thành trên cơ sở của một phần các khu phố; hình thành các tên phố: Chi Lăng, Hồng Quang thuộc khu phố 6, các phố phía Tây đường Chi Lăng thuộc khu phố 1, các đường Hoàng Hoa Thám, Đại lộ Hồ Chí Minh thuộc khu phố 3.
Năm 1966, theo yêu cầu của tổ chức, thị xã giải thể Ủy ban hành chính các khu, thành lập các đơn vị mới; 06 khu phố trở thành 04 khối phố; phường Nguyễn Trãi ngày nay thuộc khối 4. Ngày 21/4/1974, thị xã Hải Dương giải tán 04 khối, thành lập 08 Tiểu khu; địa bàn phường Nguyễn Trãi ngày nay thuộc Tiểu khu Chi Lăng và Tiểu khu Nguyễn Trãi. Thực hiện Nghị định của Chính phủ, ngày 07/5/1981, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Hưng có Nghị quyết về việc thành lập phường Nguyễn Trãi thuộc thị xã Hải Dương; quyết định sáp nhập Tiểu khu Nguyễn Trãi và Tiểu khu Chi Lăng thành phường Nguyễn Trãi. Năm 1997, thực hiện Nghị định 364/CP của Chính phủ về việc phân lại ranh giới, một phần đất đai và dân số xã Bình Hàn được cắt về phường Nguyễn Trãi, và nhân dân khu 09 ở khu vực Đền Thánh được cắt về phường Bình Hàn. Phường Nguyễn Trãi ngày nay có 15 tuyến phố chính, gồm: phố Nguyễn Trãi, Chi Lăng tạo thành trục chính thứ nhất. Đại lộ Hồ Chí Minh và đường Hồng Quang tạo thành trục chính thứ hai. Phía Tây đường trục chính thứ nhất có các phố: Tuệ Tĩnh, Lê Hồng Phong, Hải Thượng Lãn Ông, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thượng Mẫn, Cựu Thành, Quyết Thắng, phố Hào Thành phía đông và tây. Phía Đông đường trục chính có các đường phố: Hoàng Hoa Thám, Phố Ga, Ngô Gia Tự, Nguyễn Công Trứ... Ngoài ra trên địa bàn phường còn có Hào Thành chảy qua 02 hồ nước nằm kề bên Câu lạc bộ Nguyễn Trãi và nhà Thiếu nhi. Tính đến tháng 12/2023, diện tích tự nhiên của phường là 55,9 ha; có 2.410 hộ dân với 8.512 nhân khẩu, chia thành 08 khu dân cư. Người dân chủ yếu là tiểu thương, kinh doanh buôn bán nhỏ, và cán bộ, công chức, người lao động. Có nhiều cơ quan quan trọng của trung ương, tỉnh và thành phố đóng trên địa bàn phường, trong đó có Thành ủy Hải Dương, Bảo tàng tỉnh, Trường Chính trị tỉnh, Công an tỉnh, Điện lực tỉnh, Bến xe khách, Công ty Cổ phần Dược vật tư y tế, Ngân hàng Công Thương, Bưu điện tỉnh, Bệnh viện 7 Quân khu 3... Đặc biệt trên 14 mảnh đất phường Nguyễn Trãi ngày nay có những di tích lịch sử rất đáng tự hào: đó là đỉnh tháp nước thành phố8 , nơi đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy lâm thời treo lá cờ đỏ búa liềm tung bay (vào ngày mùng 07/11/1940 - ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga), khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn chống Pháp; đó là nhà tù Hải Dương của thực dân Pháp giam cầm những chiến sĩ cách mạng9 , nhưng chính nơi đây đã trở thành trường học, nơi rèn luyện ý chí cách mạng của những người cộng sản.
Đi cùng với những thăng trầm của lịch sử, mảnh đất và con người phường Nguyễn Trãi ngày một phát triển, văn minh, giầu mạnh.